Chiếu thư thoái vị Long_Dụ_Hoàng_thái_hậu

Hình chụp Long Dụ Thái hậu thời kỳ cuối đời.

Năm Tuyên Thống thứ 3 (1911), tháng 10, Cách mạng Tân Hợi diễn ra. Ngày 6 tháng 12, Tái Phong nhậm ý chỉ của Long Dụ Thái hậu, từ bỏ danh vị Nhiếp Chính vương Giám quốc. Ngày 7 tháng 12, theo nhật ký của Tổng lý Công sở Bí thư Hứa Bảo Hành, Nội các Tổng lý đại thần Viên Thế Khải đến Dưỡng Tâm điện hơn 1 tiếng đồng hồ, trình bày trước Long Dụ Thái hậu. Theo đó, bà ủy nhiệm Viên Thế Khải làm Nghị hòa Toàn quyền đại thần, nhậm Đường Thiệu Vy làm Nghị hòa đại biểu, phụ trách đàm phán nghị hòa với các tỉnh phía Nam. Ngày 28 tháng 12, cả nước hô vang yêu cầu Thanh Đế thoái vị. Long Dụ Thái hậu triệu tập Khánh Thân vương Dịch Khuông, Viên Thế Khải cùng tất cả Vương công Đại thần, phủ dụ nói:"Khoảnh thấy Khánh vương bọn họ đều nói không có chủ ý, muốn hỏi các ngươi, ta toàn giao cùng các ngươi làm, các ngươi làm tốt lắm, ta tự nhiên cảm kích, cho dù làm không xong, ta cũng không oán các ngươi. Hoàng thượng hiện tại tuổi còn nhỏ, tương lai lớn lên cũng tất không oán các ngươi, đều là ta chủ ý". Lúc sau, Thái hậu khóc lớn, Viên Thế Khải cùng các Vương công đều khóc.

Thượng Hải Trình báo, ngày 22 tháng 2 năm 1912, tiêu đề Thanh hậu ban chiếu tốn vị thì chi Thương tâm ngữ (清后颁诏逊位时之伤心语) viết, ngày 12 tháng 2 (tức ngày 25 tháng 12 âm lịch), Thanh Đế tốn vị Chiếu thư (清帝逊位诏书) chính thức ban hành. Viên Thế Khải tại Dưỡng Tâm điện soạn chiếu thư trình lên Thái hậu, bà đọc xong nước mắt rơi như mưa. Sau giao cho Quân cơ đại thần Từ Thế Xương ngự bảo. Lúc này, người phản đối tốn vị là Cung Thân vương Phổ Vĩ đến ngoài điện diện kiến, Thái hậu khước từ mà mắng:"Đám Hoàng thân quốc thích đem quốc sự hủ bại đến thế này, còn cản trở chiếu chỉ cộng hòa, muốn đặt mẹ con ta ở bước đường nào nữa?!". Thái hậu khóc lớn, Phổ Nghi khi ấy được Thái hậu ôm trong lồng ngực, thấy thế cũng khóc, Viên Thế Khải và quan thần đều khóc[10][11].

Theo kí nhận của Tái Nhuận, Tái Điềm, Thái hậu đối với việc này cụ thể rất mơ hồ, hoàn toàn không "rõ ràng thời cuộc, vì nước quên thân" như các bài báo đương thời đề cập. Viên Thế Khải mua chuộc thái giám thân cận của Thái hậu là Tiểu Đức Trương (小德張), gắng sức phụ họa Viên Thế Khải khi giải trình Nhà nước Cộng Hòa khi họp tại Dưỡng Tâm điện. Cuối cùng, Long Dụ chỉ mơ hồ mà cho rằng cái gọi là Tốn vị, chẳng qua chỉ là bỏ đi Nhiếp Chính vương Tái Phong, thay bằng Viên Thế Khải cải tổ nội chính, còn cảm thấy màn biểu diễn của Viên Thế Khải hết sức cảm động, là bậc trung thần. Đến ngày thứ 2 sau khi tốn vị, Long Dụ Thái hậu vẫn chờ đám người Viên Thế Khải vào cung tấu sự, đến khi có người nói sự thật, Long Dụ còn si ngốc nói:"Chẳng lẽ Đại Thanh quốc ta đã bị mất nhà rồi?".

Theo các ["Điều kiện ưu đãi của Hoàng đế Nhà Thanh"; 清帝退位優待條件] được ký với Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc mới, Tuyên Thống Đế Phổ Nghi được giữ lại tước vị và được chính quyền Cộng hòa đối xử bằng nghị định thư được gán cho một vua ngoại quốc. Điều này tương tự như Luật đảm bảo của Ý năm 1870 ban cho Giáo hoàng một số đặc quyền và danh dự nhất định như đối với Quốc vương nước Ý. Phổ Nghi và triều đình được phép ở lại trong nửa phía Bắc Tử Cấm Thành cũng như ở trong Di Hòa viên. Hàng năm, Chính phủ Cộng hòa trợ cấp cho Hoàng gia 4 triệu bạc Yuan, dù khoản này không bao giờ được chu cấp đầy đủ và đã bị xóa bỏ chỉ vài năm sau.